Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Những bữa ăn đáng nhớ của bạn?

"Mấy mươi năm cuộc đời, không phải để trưng dụng nó mà sống, ấy là để ta trải qua mà biết quý trọng nó."

Ăn thì luôn là nhu cầu mỗi ngày của con người, kể ra chuyện ở đây thì e là cũng thừa chăng? Trung bình mỗi người thọ 75 tuổi, 365 này/năm. 3 bữa/ngày.

75 x 365 = 27 375 ngày
27 375 x 3 = 82 125 bữa

Vậy trong 82 125 bữa ăn ấy, ta sẽ nhớ được bao nhiêu bữa ăn cho tới phút nhắm mắt về với đất mẹ?

À không, tớ muốn kể vài bữa ăn mà dọc hành trình tớ đã có. Không to tát gì đâu, có chăng là vài lần không còn gì để ăn, hoặc là đến những vùng có tiền cũng không có đồ ăn mà mua, những nơi không còn tiền để có thứ gì đó "ăn được" mà cho vào mồm. :)
Để rồi, ta lại ngó lại dọc dài đất nước, ngó những lân CỨU ĐÓI thực sự!
Có bao giờ bạn rơi vào những trường hợp như thế này không?


Lần ăn mì tôm này cũng không nhớ rõ ở đoạn nào lắm, từ Lào Cai chạy sang Hà Giang thì phải. Mình chỉ nhớ, dọc đường đi, đèo là đèo à, không có lấy một chỗ uống nước. Trưa hai anh em đói quá, đành dừng lại cạnh đường, làm tạm phát mì tôm. Nhưng điêu thú vị ở đây là, lần đầu tiên mình được ăn mì tôm nấu trực tiếp trong túi đựng. Hóa ra, một nguyên lí đơn giản rằng nhiệt qua túi mì tôm, sẽ truyên ngay sang nước, chưa tới 100*C, nước chưa sôi, túi chưa chảy. Hehe, thế là có mì tôm chín để ăn. Cắt tạm cành cây khô ven đường làm đũa nữa là duyệt bữa trưa rồi!

Mì tôm lưng đèo

---------------------------

Cơm xin trứng luộc ruốc tự làm,
Cơ mà hai (đứa) đến là tham
Gắp thêm vài miếng dưa bỏ họng,
Nhìn nhau miệng vẫn cứ nhồm nhoàm.

Trên tàu LC_HN, lon bia kia là một cô đi đền Bảo Hà cho lộc, còn cả giò, dưa chuột, bla bla nữa. :)))
 Nhiều khi ăn bữa tuềnh toàng thế mà lòng vẫn cứ rạo rực, sung sướng. 

Cơm xin trên tàu

Mải ăn


-------------------------------

Bữa cơm thịnh soạn từ Dương Té Giếng


Hành trình xuyên Việt trở về, được những người bạn, anh chị em ở Sài Gòn cứu đói nhiều bữa mà cũng quặn thắt lòng. Ngày về, hai anh em, mình với KenEvil Trần còn phải bon chen ở gameshow Đấu trường 100, hòng kiếm xèng về Hà Nội, ấy vậy mà vẫn tay trắng ra về (thực ra là có total 200k hỗ trợ người chơi). Ấy vậy mà, được em gái Dương Té Giếng làm cơm hộp cho trước khi lên tàu, ăn đủ 2 bữa. Về tới Quảng Trị còn được chị Phan Doai gửi cho 6 hộp bánh bột lọc đầy ắp ngon ghê gớm, giúp hai anh em trụ thêm 2 bữa nữa để về tới Hà Nội. Đấy, kể ra thì đã được cả những người thương ở cả Trung, Nam, Bắc cứu đói rồi ấy chứ.

Bánh bột lọc - cứu đói khi về tới Quảng Trị

Chia tay



Vậy đó,...
Còn bạn, bạn đang nhớ tới những bữa ăn như thế nào trong quãng đời đã qua?
Ngọt ngào, hạnh phúc, hay những bữa ăn của cảm xúc và tình người?

Những người bạn, người anh, người chị ấy, em sẽ chẳng bao giờ quên được. Mấy mươi năm cuộc đời, không phải để trưng dụng nó mà sống, ấy là để ta trải qua mà biết quý trọng nó.


Hà Nội, những ngày sang thu...

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Chuyện trái chôm chôm!

Hắn vừa ăn vừa cười,
bao giờ cũng thế, cứ chôm chôm xong là hắn cười!

Tụi tớ được cho cả chục kí chôm chôm khi thăm thú miệt vườn Long Khánh.
--------------------------------------------------

Đằng sau niềm sung sướng được ăn chôm chôm, được cô chú chủ nhà vườn ở Long Khánh tặng luôn hơn chục kí chôm chôm vác về Sài Thành làm quà, lại là nỗi cực nhọn, vất vả ở đây. Ngẫm chôm chôm bán tại vườn có 2-3k/kí, lại nhớ vải ở nhà cũng lâm vào cảnh tương tự. Lên xuống giá, vải cũng phải chặt đi, thay dần vào bằng cây khác.

Đường vào miệt vườn



Hôm trước tạm biệt Bảo Lộc với những câu chuyện về chè và cafe hạt ở đây, cũng có phần tương tự như chuyện chôm chôm, chuyện vải. Nghe đâu có công ty ở Đài Loan bán sản phẩm "TRÀ VIỆT" ở bển, sang Việt Nam, tới Bảo Lộc xây dựng nhà máy chè CHẤT LƯỢNG CAO với các công nghệ tiên tiến. Nhưng té ra, cũng chỉ làm màu để đó, vác bị đi thua mua chè của bà con ở đây với giá thấp rồi xuất lại Đài Loan bán với giá cao. Những câu chuyện tương tự đã từng nghe, nhưng có ngồi nhấp cốc cafe ở phố núi B'lao này mới thật xót lòng. Há chẳng phải đó là trò lừa đảo sao.

Vườn chè ở Bảo Lộc


Dẫu biết để làm toàn bộ các công đoạn từ việc thu mua nông sản thô, chế biến thành phẩm, xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng là không dễ dàng, nhưng nếu để cứ mãi trồng và bán nông sản thô, để rồi chỉ những người ở các chiết đoạn khác mới hưởng lợi nhiều thì bà con nông dân bao giờ mới thoát nghèo đây?
Chè xanh mơn mởn
Nhưng bà con bao giờ mới hết nghèo?

Có phải lòng một cô gái xứ B'lao mới thấy lưu luyến đến vậy. Chào B'lao!




Mỗi phút để bản thân viết lên cuộc đời mình


Trải nghiệm cho tôi những bài học, nhỏ mà sâu đậm,...
Xin được chia sẻ những dòng đã ghi trên dọc hành trình Xuyên Việt mà tôi đã đi!


Bình minh, ngồi ngóc mỏ, vô tư lự.
Ừ, ta là một lữ khách nơi xa xôi...


------------------------------------------
"Có ngày vẫy nhờ xe ô tô. Ngồi cảng Sa Kỳ, chính ngọ nắng thẳng đầu, ngó những người công nhân bốc vác ở đây vẫn đang phải làm việc, mồ hôi túa ra như mưa, những tiếng thở phì phò vì sức nóng. Ừ đúng, bố mẹ hay người thân nào đó của mình cũng đang vất vả mưu sinh như thế, con biết, không dễ gì để tồn tại trong cái hộp thịt khổng lồ này, nhưng con phải đi, con sẽ đi, chí ít là để cho con không còn là một khối thịt hộp nào đó nữa, bởi con biết, nếu yên vị và bị động, rút cục, con cũng sẽ chết ở tuổi 25 mà thôi. Sẽ thật bất hiếu khi không nghĩ gì hay không nhớ về những giọt mồ hôi nơi quê nhà. Có trách, có mắng, âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng có, một thằng mà bạn bè kêu là không đủ "lanh lợi" để học Luật và sống có phần nhân văn như con, chẳng thể không nghĩ, không quặn lòng mà nghĩ mà ngẫm. Trên thế gian này làm gì có đường, mà thường đi vào lối nào đó thật riêng, người ta sẽ cho là khùng, là dại.

Nhờ xe ô tô ở Lý Sơn


Mùi hành, mùi tỏi đất Lý Sơn nồng đặc, mồ hôi lăn dài trộn với chút cay cay nơi khóe mắt, con lại nhớ nhiều hơn về những ngày chạy đi giao bánh, giao hoa quả; nhớ nhiều hơn về những tối đi dạy muộn về để kiếm chút tiền ít ỏi mong ngày lên đường. Con đang đi và sẽ đi. Vì con sẽ không để uổng phí chuyến đi này. Để cất bước lên đường đã khó, hành trình còn muôn phần gian nan hơn. Nếu đó là một chuyến đi hưởng thụ, con sẽ là thằng thật bất hiếu. Nhưng vậy đó, kinh qua nhiều hơn những ngày nắng nóng dọc dải đất miền Trung, con biết bố mẹ vất vả, qua những lúc mệt mỏi, con biết bố mẹ cũng nhọc nhằn cho con. Một thằng con trai nói ra những điều ấy thật khó, nhưng con nhớ những vòng quay lọc cọc của máy may của mẹ ngày con còn bé tí xíu, hằng đêm vẫn miệt mài cho xong bộ quần áo cho khách; những đêm mưa bão bố phải đi trực, chẳng thể ở nhà. Có đi xa, hay chưa làm được điều gì khiến bố mẹ an lòng, con cũng đành ngậm ngùi vì đường con chọn chẳng thể ít chông gai.

Những ngày tháng trải nghiệm sung sướng trong vất vả


Ngang dọc những cung đường


Mới là rộng dài trong dải chữ S này, nhưng ngã rẽ mà con chọn ở một mảnh đất mới, dẫu nhọn nhằn, nhưng con tin là con sẽ có hơn thật nhiều bài học tại đó. Ngày tuổi 18, ngày mà cả con và bố mẹ đều đã không tin là con được đặt chân tới Nhật Bản - xứ mặt trời mọc trong một chương trình giao lưu quốc tế; ngày tuổi 21, con đã tự tin hơn để đặt ra mục tiêu riêng cho mình khi trở lại đó với 3 năm chuyên ngành Luật kinh doanh.
Vâng, là con đấy, con tin khi mình đi những con đường ít người đi, dẫu nguy hiểm hơn, nhưng lại tôi luyện cho bản thân con nhiều hơn.

Bao la là trời xanh, đó bó buộc bạn trong bốn bức tường

Những chuyến đi cho con một bài học: "Nếu đường có xấu đến tệ hại, hãy vượt qua. Vì con đường đó sẽ dẫn tới những góc nhìn mới và tuyệt vời hơn những lối mòn người ta hay đi".

Vậy đó,... vì con nhìn thấy ánh sáng.


Lý Sơn,gửi bố mẹ!